PHÒNG CHỐNG XÂM NHẬP MẶN

Cây sầu riêng

PHÒNG CHỐNG XÂM NHẬP MẶN

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn đang ở mức báo động ở một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, gây ảnh hưởng lớn cho những nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn. Dưới đây là một số điều nhà vườn cần biết, cần làm để kịp thời ứng phó.

THỨ NHẤT: MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ ĐỘ MẶN

Cần xác định rõ: nước có độ mặn ở mức nào là vẫn còn chấp nhận tưới cho cây được và độ mặn mức nào là không được tưới nữa.

Độ mặn trong nước thường được tính bằng đơn vị phần ngàn (‰ hay ppt). Đối với cây Sầu Riêng:

– Độ mặn từ 0.1- 0.3: thì có thể tưới được bình thường

– Độ mặn từ 0.4 – 0.6: tưới vào sẽ không gây chết cây, nhưng sẽ làm cây chậm phát triển, đặc biệt cây trong giai đoạn mang bông trái, có thể ảnh hưởng gây rụng. Do đó, nên hạn chế tưới, hoặc bắt buộc tưới thì chỉ tưới ít để giữ ẩm hoặc phun sương.

– Độ mặn từ 1 phần ngàn trở lên: thì TUYỆT ĐỐI không được tưới

Do đó, cần cập nhật tình hình mặn hàng ngày để biết nước ở sông, mương, ao hồ lấy tưới cho sầu riêng có độ mặn ở mức nào. Tốt nhất là trang bị máy đo độ mặn trong nhà để kiểm tra nhanh và chính xác nhất.

THỨ 2: ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC NHIỄM MẶN LÊN CÂY TRỒNG

Nếu tưới phải nước nhiễm mặn:

– Một là: cây sẽ bị ảnh hưởng

+ Bị nhẹ: Cây đang mang trái sẽ bị rụng trái, cây đang đi đọt sẽ ngừng đọt, không phát triển rễ, thối rễ vàng lá. Gây suy kiệt cây rất nặng, việc phục hồi lại sẽ rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc.

+ Bị nặng: chết cây

– Hai là: Nếu tưới nhiều lần đất trồng cũng sẽ bị nhiễm mặn, đất đã bị nhiễm mặn rồi thì cần cải tạo lại mới tiếp tục trồng cây được, bằng cách cần tháo nước rửa mặn liên tục trong thời gian dài

Do đó, sau khi kiểm tra, nếu nước đã bị nhiễm mặn vượt quá mức cho phép (1‰) thì TUYỆT ĐỐI không tưới cho cây.

Cây bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn

THỨ 3: MỘT SỐ BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ KHI NƯỚC NHIỄM MẶN

Tìm kiếm các nguồn nước khác để tưới: nước trong ao hồ chưa bị nhiễm mặn, nước mưa, nước máy….

– Nếu xung quanh không còn nguồn nước nào để tưới thì sang các vùng chưa bị mặn xâm nhập trữ nước vào thùng và mang về tưới.

Túi nhựa trữ nước ngọt. Nếu còn đang loay hoay chưa biết trữ nước ở đâu thì mọi người có thể tham khảo!

– Áp dụng cách “TƯỚI TIẾT KIỆM”:

+ Tưới vào buổi đêm để hạn chế tối đa việc bốc hơi, thất thoát nước

+ Tưới ở phần rìa, khu vực 2/3 tán cây (tính từ gốc ra), không nên tưới dội vào trong gốc

– Tủ gốc bằng cỏ, rơm…để giữ ẩm

– Bón nhiều phân hữu cơ giúp đất giữ nước tốt hơn

Lưu ý: Nếu cây đã bị ảnh hưởng thì cần bổ sung các chất: Kali, Canxi, trung vi lượng… bằng cách phun lá hoặc bón gốc để giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu cho cây. Đồng thời, phun qua lá các dòng phân có chứa: Amino acid, Acid Fulvic, Rong biển… để bổ sung dinh dưỡng và góp phần giải độc cho cây

THỨ 4: XỬ LÝ KHI CÂY BỊ NHIỄM MẶN

1. Tỉa bỏ hết bông, trái trên cây

2. Tưới thuốc bệnh Matalaxyl 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày

3. Sau khi tưới thuốc bệnh lần 2 thì tưới Canxi Bo + dòng Hữu cơ nước có hàm lượng Fulvic + Humic cao

4. Khoảng 1 tuần sau khi xử lý thuốc bệnh là cây ra rễ và hấp thu nước + dinh dưỡng

5. Duy trì tưới nước ngọt ướt vùng rễ sâu 10 cm – 30 cm

THỨ 5: “LÀM CHUỒNG TRƯỚC KHI MẤT BÒ”

Đối với những địa bàn chưa bị xâm nhập mặn nhưng nằm trong dạng nguy hiểm , có khả năng sẽ bị ảnh hưởng tiếp theo thì cần có những biện pháp ứng phó trước, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy:

– Chú ý đê bao, bờ bao để hạn chế nước mặn tràn vào

– Làm bồn, khu để trữ nguồn nước ngọt

– Bón nhiều phân hữu cơ để cải tạo đặc tính đất, tăng khả năng giữ nước

– Phun qua lá các dòng phân có chứa: Amino acid, Acid Fulvic, Rong biển…

TÓM LẠI: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, có biện pháp xử lý trước sẽ tốt hơn. Mong rằng một số chia sẽ trên sẽ giúp ích được phần nào cho bà con vùng bị mặn

Công Ty AgriPlus – Tư Vấn Kỹ Thuật Thực Tế Tại Vườn

0 0 Các đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký theo dõi
Thông báo bằng cách
guest
0 Góp ý
Cùng dòng phản hồi
Xem tất cả bình luận