SÂU VẼ BÙA HẠI CÂY BƯỞI

BÀI VIẾT KỸ THUẬT

SÂU VẼ BÙA HẠI CÂY BƯỞI

Sâu vẽ bùa hại cây bưởi

1. THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN

Sâu vẽ bùa xuất hiện và gây hại quanh năm trong vườn bưởi. Tuy nhiên, mức độ gây hại của sâu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố sau đây:

– Điều kiện thời tiết: Sâu sẽ gây hại mạnh khi độ ẩm cao và ngược lại khi độ ẩm thấp thì sâu sẽ hạn chế gây hại. Do đó, vào các thời điểm như mùa mưa hoặc vườn có độ ẩm cao khoảng 85-90% hoặc thời tiết mát mẻ từ 23-29oC thì sâu sẽ phát triển cực mạnh

– Nguồn thức ăn của sâu: phần đọt non là nguồn thức ăn yêu thích của sâu, do đó vào các thời kì cây ra đọt mạnh thì sâu phát triển mạnh và ngược lại, khi lá đã già thì sâu sẽ ít phát triển.

2. VÒNG ĐỜI

Vòng đời của sâu vẽ bùa gồm 4 giai đoạn:

BƯỚM => TRỨNG => SÂU NON => NHỘNG

– Bướm: 7-10 ngày (thời điểm tốt để phun trừ)

– Trứng: 1-6 ngày (trứng nhỏ và nằm mặt dưới lá nên khó phát hiện và phun trừ)

– Sâu non: 4-10 ngày (giai đoạn gây hại nặng nhất, cần phun trừ càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại)

– Nhộng: 7-12 ngày (sâu tạo thành lớp kén dày bên ngoài nên việc phun trừ sẽ không hiệu quả)

3. ĐẶC ĐIỂM

a. Đặc điểm tập tính

– Bướm hoạt động về ban đêm, thường đẻ trứng ở mặt dưới lá gần gân chính của đọt non.

– Sâu non mới nở đục chui qua lớp biểu bì của lá, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên gọi là vẽ bùa, đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu và đặc biệt các đường đục này không bao giờ gặp nhau. Khi nguồn thức ăn khan hiếm, sâu sẽ tấn công cả lá lụa và cành đọt.

– Khi đủ sức, sâu non đục ra mép lá và hóa nhộng.

b. Đặc điểm gây hại

– Lá non bị tấn công sẽ quăn queo, biến dạng, làm giảm quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của chồi non và thời gian ra cơi mới sẽ chậm hơn. Ở giai đoạn cây con nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường.

– Vết đục của sâu tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn theo sau tấn công.

4. PHÒNG NGỪA

– Chú trọng chăm sóc cây khỏe, tưới nước, bón phân đầy đủ, không bón dư đạm, bón nhiều phân hữu cơ chất lượng để bộ lá được dày, xanh bóng khiến sâu non khó xâm nhập vào lá, hạn chế gây hại.

– Tỉa cành, nhánh thường xuyên để tạo thông thoáng cho vườn.

– Hạn chế tưới, phun nước trực tiếp lên tán lá cây, sẽ làm ẩm độ tăng cao tạo điều kiện cho sâu phát triển.

5. PHÒNG TRỊ

a. Các hoạt chất ĐẶC TRỊ sâu vẽ bùa như: Cypermethrin, Chlopyrifos Ethyl, Imidachloprid, Thiamethoxam, Profenofos … Có thể cộng chung với bám dính để tăng hiệu lực

b. Thời điểm:

– Phun thuốc ĐỊNH KÌ:

+ Từ khi cây có mầm đọt non (búp đọt) đến khi lá cuối cùng trong cơi đọt mở ra hết thì ngưng. Phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

+ Hoặc nếu vườn ra đọt không đều thì phun định kì 7-10 ngày/lần

– Phun theo THỰC TẾ:

+ Khi thấy trong vườn có xuất hiện bướm rộ thì phun. Lưu ý: do bướm sâu vẽ bùa hoạt động về ban đêm, nên khi phun thuốc thì phun buổi tối là tốt nhất.

+ Hoặc khi thấy vết sâu ăn nhẹ thì phun. Lưu ý: Phun sâu thì vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Ngoài ra, khi lá đã bị sâu ăn thì cố gắng phun thêm thuốc phòng ngừa nấm và vi khuẩn.

Khi đã xuất hiện sâu hoặc bướm thì cần phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày để diệt hết lứa sâu vẽ bùa đó.

C. Vị trí phun:

Phun chủ yếu ở MẶT DƯỚI lá và phun lên đọt cây.

Công Ty AgriPlus – Tư Vấn Kỹ Thuật Thực Tế Tại Vườn

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký theo dõi
Thông báo bằng cách
guest
0 Góp ý
Cùng dòng phản hồi
Xem tất cả bình luận